Thi trắc nghiệm môn Vật lý sẽ rất dễ đạt điểm cao

Với hình thức thi trắc nghiệm lần đầu tiên áp dụng với môn Vật lý, theo dự báo của nhiều giảng viên khoa Lý trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì số thí sinh đạt điểm cao trong môn thi này sẽ vượt trội. Vì, với một môn khoa học tự nhiên mà phần lý thuyết chiếm vị trí rất quan trọng như môn Lý thì thi trắc nghiệm, “gánh nặng” của sĩ tử sẽ được giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, đối với môn Lý, học lý thuyết không phải là học thuộc lòng mà phải nắm vững bản chất hiện tượng Vật lý và các định luật trong các hiện tượng ấy để cố gắng vận dụng các định luật để giải thích vào đời sống thực tế. Thay vì học thuộc lòng một cách máy móc từng câu từng chữ, thí sinh chỉ cần cần hiểu được bản chất vấn đề rồi chọn ra phương án đúng thay vì phải trình bày dài dòng như những năm trước.

Để đạt được điểm cao môn Vật lý với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ cần nắm được 3 thao tác khá đơn giản sau:

1. Nắm vững các công thức cơ bản. Với phương pháp tự luận, trước mỗi câu hỏi, thí sinh phải thực hiện rất nhiều bước để đưa ra kết quả. Nhưng đối với phương pháp thi trắc nghiệm thì thí sinh đã có sẵn những phương án trả lời và người chấm cũng không yêu cầu xem thí sinh đã đạt được kết quả đó thế nào. Tuy nhiên, với nhiều phương án trả lời có sẵn, thí sinh nếu không nắm vững các công thức cơ bản thì rất dễ chọn nhầm.

Thi trắc nghiệm tuy là một hình thức rất dễ “ăn” điểm nhưng cũng rất dễ đánh lừa thí sinh, đưa thí sinh và tình trạng luẩn quẩn trong hoài nghi nếu thí sinh nắm kiến thức không chắc. Dù đã giải bài đầy đủ ra giấy nháp để tìm được kết quả cuối cùng nhưng thí sinh nếu không tự tin thì vẫn không dám chọn phướng án của mình.

Muốn nắm vững các công thức cơ bản thì khi ôn, đối với tất cả các phép tính, công thức hay phương trình…, thí sinh nhất thiết phải lý giải các phép tính, công thức, phương trình đó dựa theo định luật Vật lý nào là cơ sở.

2. Phản ứng nhanh. Muốn luyện tập được phản ứng nhanh đối với môn Lý, trên cơ sở những bài tập cơ bản, thí sinh cần cần tự thay đổi giả thiết, điều kiện trong những bài tập đó  để tạo ra những câu hỏi mới, đa dạng hơn và có yêu cầu cao hơn.

Đề thi trắc nghiệm môn Vật lý sẽ có khoảng 40-50 câu yêu cầu thí sinh phải xử lý hết sức nhanh nhạy nếu không sẽ không có đủ thời gian để hoàn thành. Vì thế, ngoài việc nắm vững kiến thức, thí sinh cũng cần có sự nhận xét nhanh các phương án trả lời để loại bớt những phương án sai tránh nhiễu trước khi giải ra nháp để chọn ra phương án đúng cuối cùng. Muốn thế, khi học phải nắm thật vững các khái niệm, định nghĩa, tính chất… thì mới thấy ngay được những phát biểu sai, phát biểu đúng.

3. Tính toán chính xác. Đối với môn Vật lý, vì phần lý thuyết chiếm dung lượng khá nhiều trong thời gian ôn luyện của thí sinh nên điều này đã gây một ảnh hướng rất xấu đến việc học môn này là dễ khiến thí sinh rơi vào tình trạng tính toán đại khái mỗi khi giải bài tập.

Muốn tránh được điều này, khi giải bài tập, thí sinh cần chú trọng đến cách làm liệt kê số liệu và đổi chúng ra hệ SI; đọc và nhận dạng câu hỏi, chú ý tính toán để bảo đảm làm đúng đáp số; không được làm tròn kết quả tính (nhất là các bài tập về kính hiển vi; vật lý hạt nhân nguyên tử); nhớ ghi đơn vị cho các tính toán trung gian và kết quả sau cùng. Có như vậy mới rèn được cho mình sự tỉ mẩn và cẩn thận trong lúc làm bài thi.

Đối với việc học ôn phần lý thuyết, khi gặp các câu hỏi lý thuyết có yêu cầu so sánh thì phải làm thành hai phần: các đặc trưng giống nhau và bảng so sánh các đặc trưng khác nhau tương ứng. Khi muốn sử dụng các công thức không có trong sách giáo khoa thì phải chứng minh. Khi chứng minh phải trình bày các bước tính toán trực tiếp và không được làm tắt để tránh nhầm lẫn.

Đề thi ĐH môn Vật lý năm nay có gì khác?

Năm nay là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với môn Vật lý. Theo khẳng định của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) thì ngoài việc thay đổi về hình thức thi, nội dung đề thi không có gì khác biệt và tuyệt nhiên sẽ không gây xáo trộn lớn cho thí sinh. Cục cũng khuyến cáo thí sinh cần trả lời nhanh các câu hỏi, nếu gặp câu hỏi chưa trả lời ngay được thì bỏ qua để làm câu khác, tránh mất thời gian.

Về nội dung, đề thi môn Vật lý sẽ tiếp tục loại trừ việc học tủ của thí sinh. Các câu hỏi sẽ rải đều trong 9 chương trong sách giáo khoa từ Dao động cơ học đến Phản ứng hạt nhân của toàn bộ chương trình lớp 12. Các câu hỏi lý thuyết sẽ chiếm khoảng gần 20% với xu hướng sẽ ra theo dạng là những yêu cầu so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa hai hiện tượng vật lý. Với cách ra đề như vậy, thí sinh có mang sách giáo khoa vào phòng thi cũng không thể trả lời được nếu không hiểu sâu sắc các hiện tượng vật lý khi học lý thuyết.

Lỗi hay mắc phải nhất đối với bài thi môn Vật lý là thí sinh khi làm bài tập không viết đủ các công thức Vật lý, khi đổi đơn vị, kết quả cuối cùng quên đơn vị, hình vẽ không rõ ràng, tính nhầm số… Với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ không bị mất điểm về những lỗi này.

Tuy nhiên, đối với hình thức thi trắc nghiệm, các câu hỏi về bài tập thường rất hay cài bẫy trong các câu hỏi khó để phân loại thí sinh, thí sinh nếu giải bài theo kiểu máy móc và không có tư duy độc lập thì không bao giờ chọn được phương án đúng trong các câu hỏi phân loại này và chắc chắn không thể đạt điểm cao.